Quyết định Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Thành ủy
THÀNH UỶ
HẢI PHÒNG
*
Số 1552-QĐ/TU
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hải
Phòng, ngày 19 tháng 8 năm 2019
|
QUYẾT
ĐỊNH
Chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, tổ chức bộ máy
của Ban Nội chính Thành ủy
_______
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Quy định số 04-QĐi/TW, ngày
25/7/2018 của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ
máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ;
- Căn cứ Kết luận của Ban
Thường vụ Thành uỷ tại Thông báo số 766-TB/TU, ngày 03/6/2019 về việc triển khai
thực hiện Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018
của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan
chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ;
- Xét đề nghị của Ban Tổ chức Thành ủy và
Ban Nội chính Thành ủy,
BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Chức năng
1. Là cơ quan tham mưu của Thành ủy mà trực
tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy về công
tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công
tác nội chính đảng; cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
a) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chủ trương,
nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Thành ủy, Ban
Thường vụ Thành ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham
nhũng. Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về
công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng phù hợp với địa
phương.
b) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đề án,
chương trình, kế hoạch về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống
tham nhũng, báo cáo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có
liên quan đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương về hoạt động và
đánh giá công tác năm của các cơ quan nội chính ở địa phương, hội luật gia,
đoàn luật sư…và một số cơ quan có liên quan trong lĩnh vực nội chính, tư pháp thành
phố.
d) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan
liên quan nghiên cứu, đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy
cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng
và pháp luật của Nhà nước và các vấn đề đột xuất, nổi cộm, phức tạp liên quan
đến an ninh, trật tự trên địa bàn.
đ) Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố
cáo gửi đến Thành ủy; kiến nghị với Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ thành
ủy xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải
quyết một số đơn, thư được Thường trực Thành ủy giao. Phối hợp với các cơ quan
chức năng tổ chức tiếp công dân theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng
Thành ủy giúp Thường trực Thành ủy tổ chức tiếp công dân.
e) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột
xuất với Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Trung ương theo quy định.
g) Sơ kết, tổng kết về công tác nội chính,
cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng của thành phố.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
a) Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy
tham mưu, giúp Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng và tổ chức thực hiện
chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm về lĩnh vực công tác nội
chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan
liên quan giúp Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan
nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp
luật về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
c) Chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy
thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội
chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
d) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan
liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát, xử lý một số vụ việc, vụ án có sự chỉ
đạo xử lý của Ban Thường vụ Thành ủy và của cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Thành
ủy.
đ) Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp
vụ về công tác nội chính đảng cho cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác nội
chính đảng của các cấp trong Đảng bộ thành phố.
3. Thẩm định, thẩm tra
a) Các đề án, văn bản về công tác nội chính,
cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trước khi trình Thành ủy, Ban
Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy.
b) Tham gia ý kiến đối với các đề án, văn
bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị
- xã hội thành phố về những nội dung liên quan đến lĩnh vực nội chính, cải cách
tư pháp và phòng, chống tham nhũng trước khi trình Thành ủy, Ban Thường vụ Thành
ủy, Thường trực Thành ủy.
4. Phối hợp
a) Với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu,
giúp Thành ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra,
giám sát hàng năm thuộc lĩnh vực nội chính.
b) Với Ban Tổ chức Thành
ủy trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về phân cấp
quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy,
biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động của Ban Nội chính Thành ủy.
c) Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm
quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với một số chức danh tư
pháp theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ.
d) Với các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành
ủy, các cấp ủy, cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác
nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trình Ban Thường vụ
Thành ủy ban hành.
đ) Với Văn phòng Thành ủy giúp Thành ủy, Ban
Thường vụ Thành ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc
của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; tiếp nhận, xử lý đơn thư và tiếp công
dân.
5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban
Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy giao.
Điều
3. Tổ chức bộ máy, biên chế
1. Lãnh đạo Ban: Gồm Trưởng ban và 2 Phó
trưởng ban.
2. Các đơn vị trực thuộc, gồm:
- Phòng theo
dõi công tác cải cách tư pháp, tiếp công dân, tiếp
nhận xử
lý đơn thư;
- Phòng theo dõi
công tác phòng chống tham nhũng;
- Phòng
theo dõi công tác các cơ quan nội chính.
Phòng có dưới 10
người được bố trí trưởng phòng và 01 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên
được bố trí không quá 02 phó trưởng phòng.
3. Biên chế: Theo Thông báo giao biên chế
hàng năm của Ban Thường vụ Thành ủy gắn với thực hiện lộ trình tinh giản biên
chế theo quy định.
Điều
4. Trách nhiệm, quyền hạn
1. Chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ban
Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy trong tham mưu, đề xuất, thực hiện
nhiệm vụ nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng.
2. Được yêu cầu các cấp
ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ
cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan.
3. Được cử cán bộ dự các
cuộc họp, hội nghị của cấp ủy trực thuộc Thành ủy, các sở, ban ngành, đảng
đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan liên quan bàn về nội dung liên quan lĩnh vực
nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
4. Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm
quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điểm 1.2.1, Khoản 1.2,
Mục 1, Phần I Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương
quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra,
giám sát, kỷ luật của Đảng.
Điều
5. Mối quan hệ công tác
1. Đối với Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy,
Thường trực Thành ủy và Ban Nội chính Trung ương
a) Ban Nội chính Thành ủy chịu sự lãnh đạo
và chỉ đạo về mọi mặt của Thành ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường
vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy; thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu, đề
xuất với Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy các vấn đề liên quan
đến lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
b) Ban Nội chính Thành ủy chịu sự hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ thống kê, báo
cáo đối với Ban Nội chính Trung ương theo quy định.
2. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc
của Thành ủy và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố
Quan hệ giữa Ban Nội chính Thành ủy với các
cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính
trị - xã hội thành phố là quan hệ phối hợp.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình,
Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể
chính trị - xã hội nghiên cứu, triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết,
quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của Thành ủy;
hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định,
quy chế, kết luận theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân thành phố
Quan hệ giữa Ban Nội chính Thành ủy với
Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố là quan hệ phối hợp.
a) Ban Nội chính Thành ủy phối hợp với Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai thực hiện nhiệm vụ tham
mưu thuộc lĩnh vực của mình có liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Thường
trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tạo điều kiện hỗ trợ Ban Nội
chính Thành ủy để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
b) Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân thành phố bàn về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực nội chính, cải
cách tư pháp và phòng chống tham nhũng thì đại diện lãnh đạo Ban Nội chính được
mời dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo Ban Nội chính làm
việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố
để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.
4. Đối với cấp ủy và bộ
phận tham mưu, giúp việc cấp ủy trực thuộc Thành ủy
a) Quan hệ giữa Ban Nội chính Thành ủy với
cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng
dẫn trong việc thực hiện công tác chuyên môn, tổ chức cán bộ theo phân cấp.
b) Quan hệ giữa Ban Nội chính Thành ủy với
bộ phận tham mưu, giúp việc cấp ủy trực thuộc Thành ủy là quan hệ hướng dẫn,
kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Điều 6.
Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký,
thay thế Quy định số 06-QĐ/TU ngày 05/8/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về chức
năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Thành ủy.
2. Căn cứ Quyết định này, Ban Nội chính
Thành ủy xây dựng và ban hành Quy chế làm việc; quy định chức năng, nhiệm vụ cụ
thể của các phòng chuyên môn, từng chức danh, vị trí việc làm trong cơ quan;
Đối với nhiệm vụ quy định tại điểm đ, mục 1,
Khoản 1, Điều 2, Quyết định này: trong thời gian chưa có trụ sở chung của các
cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy; Văn phòng Thành ủy chủ trì, Ban Nội chính
Thành ủy phối hợp thực hiện để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Thành ủy.
3.
Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết
định này. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy
xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận:
- Ban Nội chính Trung ương “để báo cáo”,
- Các đảng bộ trực thuộc Thành ủy,
- Ban cán sự đảng, đảng đoàn,
- Các ban, cơ quan của Thành ủy,
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố,
- Các đồng chí Ủy viên Thành ủy,
- Lưu Văn phòng Thành uỷ.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
Lê Văn
Thành
|